top of page

Dân tộc Khùa
 
Người Khùa là nhóm địa phương của dân tộc Bru-Vân Kiều, bên cạnh các nhóm khác là Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma-Coong. Họ là một trong số những dân tộc cư trú lâu đời nhất ở khu vực Trường Sơn. Ở Quảng Bình, người Khùa hiện có 770 hộ, sống rải rác ở 23 bản thuộc hai xã Dân Hoá (8 bản), Trọng Hoá (15 bản) của huyện Minh Hoá. Ngoài ra, có một số hộ sống xen cư với dân tộc khác ở xã Thanh Hoá của huyện Tuyên Hoá, xã Tân trạch và Thượng Trạch của huyện Bố Trạch.
 
Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn- Khmer (ngữ hệ Nam Á), gần gũi với tiếng Tà Ôi, Cơ Tu.
Chữ viết mới hình thành theo cách phiên âm bằng chữ cái LaTinh.
 
Kinh tế
 
Người Khùa sống chủ yếu nhờ làm nương rẫy và ruộng nước. Trước kia, dân số ít và đất đai nhiều, đồng bào Khùa thường phát triển hình thức luân canh khoảnh đất rẫy theo chu kỳ khép kín. Ngày nay, họ thường phát rừng, đốt, rồi chọc lỗ gieo hạt giống, làm cỏ, tuốt lúa bằng tay, đa canh - xen canh trên từng đám rẫy kéo dài hàng năm từ tháng 3 đến tháng 10. Nông cụ đơn giản như rìu, dao quắm, gậy trỉa, cái nạo cỏ có lưỡi cong. Bên cạnh nương rẫy, hoạt động khai thác nguồn lợi tự nhiên từ rừng, chăn nuôi, trao đổi các sản phẩm thủ công cũng đem lại nguồn kinh tế phụ. Người Khùa chăn nuôi gia súc, gia cầm trước hết phục vụ cho các lễ cúng, rồi sau đó mới cải thiện bữa ăn. 
 
Tài sản được xác định bằng chiêng, cồng, ché, nồi đồng, trâu v.v...
 
Người Khùa dùng các loại gùi, đeo gùi sau lưng, 2 quai gùi quàng vào đôi vai. Chiếc gùi gắn bó khăng khít với mỗi người như hình với bóng, là vật dụng vận tải đa năng.
 
Nghề truyền thống
 
Nghề thủ công của người Khùa đáng kể chỉ có đan chiếu lá, gùi,… vải vóc phần lớn được mua từ biên giới Việt - Lào. Trước kia, khi chưa có vải, quần áo được làm bằng vỏ cây sui đập dập. Công việc đan chủ yếu dành riêng cho đàn ông. Người Khùa chuyên đan các sản phẩm như gùi, giỏ, rổ và nhiều đồ gia dụng cần thiết khác từ mây tre để phục vụ sinh hoạt. Các sản phẩm mây, tre của người Khùa hiện nay đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống. Mỗi sản phầm đan lát sẽ mất khoảng 5 đến 14 ngày, sau khi đan một cách tỉ mỉ xong, họ đem sản phẩm gác lên bếp lửa để hun khói, làm như vậy từng sợi tre sẽ được cứng cáp, chống ẩm mốc, tăng tuổi thọ của sản phẩm.
 
Ăn uống
 
Người Khùa thích ăn các món nướng. Họ ăn cơm gạo tẻ với canh nấu lẫn rau với gạo và cá hoặc ếch nhái. Vào mùa lễ hội, họ sẽ nấu cơm nếp trong ống tre tươi. Đồng bào Khùa quen ăn bốc, uống nước lã và rượu cần, ngày nay dân làng thường uống rượu chưng cất. Nam nữ đều hút thuốc lá, tẩu bằng đất nung hoặc làm từ cây le.
 
Trang phục
 
Ngày trước, đàn ông Khùa để tóc dài, búi tóc, ở trần và đóng khố, khố được làm từ vỏ cây si. Thiếu nữ chưa chồng búi tóc về bên trái, sau khi lấy chồng búi tóc trên đỉnh đầu. Phụ nữ Khùa trước kia thường ở trần, mặc váy, họ sẽ mặc áo trong những dịp quan trọng. Ngày nay, áo của nữ giới có nhiều loại, loại chui đầu, không tay, cổ khoét hình tròn hoặc hình vuông, còn có loại áo cánh xẻ ngực, dài tay màu chàm, cổ và hai mép trước áo có đính các đồng bạc nhỏ màu sáng.
 
Trang sức nổi bật là các loại vòng ở cổ, tay, khuyên tai.
 
Y phục kiểu người Kinh đã trở nên phổ biến trong cộng đồng dân tộc Khùa, rất nhiều phụ nữ mặc váy Lào.
 
Nhà cửa
 
Dân tộc Khùa thường chọn những khoảng đất tương đối bằng phẳng làm nơi cư trú. Nhà có sàn cao, mái tròn ở đầu hồi, làng bản nằm dọc theo bờ sông, suối hay lưng chừng những quả đồi thấp hoặc trong thung lũng màu mỡ. Nếu ở gần bờ sông, suối, các nhà trong làng bản tập trung thành một khu trải dọc theo dòng chảy. Nếu ở chỗ bằng phẳng rộng rãi, các ngôi nhà trong làng xếp thành vòng tròn hay hình bầu dục, dựng quây quần quanh sân chung của làng. Mỗi gia đình có một nhà riêng, bếp lửa bố trí ngay trên sàn nhà, kiêng nằm ngang sàn. Nhà thường ngăn thành buồng làm chỗ ngủ riêng cho vợ chồng, cho bố mẹ già và cho con đã lớn.
 
Quan hệ cộng đồng
 
Dân làng thuộc các dòng họ khác nhau, cùng sinh sống trên một địa vực. Người "già làng" có vai trò quan trọng đối với đời sống của làng.
 
Hôn nhân gia đình
 
Nam nữ thanh niên người Khùa được tự do yêu nhau và kết hôn khi đủ 18 tuổi trở lên. Họ lựa chọn người phù hợp để kết hôn thông qua sự đồng ý của cha mẹ. Trong họ hàng, ông cậu có quyền quyết định khá lớn đối với việc lấy vợ, lấy chồng của các cháu.
 
Trong lễ cưới, cô dâu đeo trang sức bạc, chú rể mặc váy Lào và quàng khăn. Đám cưới diễn ra công khai, không gửi thiệp mời chính thức mà dân làng tự biết và đến chung vui.
 
Vợ chồng có quyền lựa chọn về nơi sinh sống trong tương lai, hoặc sống với gia đình chồng, hoặc sống với gia đình vợ. Khi về nhà chồng, cô dâu phải trải qua một số lễ nghi bắt buộc như: bắc bếp, rửa chân, ăn cơm chung với chồng. Nhà trai tổ chức cưới vợ cho con và phải biếu đồ sính lễ cho nhà gái. Phong tục tặng sính lễ có thể kéo dài đến tận 3 năm, vào buổi sáng đầu tiên của đám cưới, sau đó một năm và hai năm, sính lễ nhà trai trao cho nhà gái thường là lợn, gà, bò, có cả một thanh kiếm, 8 đồng bạc trắng và một chiếc nồi đồng. Sau lễ cưới, đôi vợ chồng còn phải làm lễ cưới lần thứ 2 khi có điều kiện về kinh tế, gọi là lễ ‘’khơi’’, để người vợ chính thức được coi là thành viên dòng họ nhà chồng. Tục lệ này vẫn còn tồn tại ở tộc người Khùa, trong trường hợp bố mẹ chết, chưa kịp tổ chức lễ cưới lần 2, con cái có trách nhiệm tổ chức lễ cưới lần 2 cho bố mẹ. Theo tục lệ, việc con trai cô lấy con gái cậu được khuyến khích, việc kết hôn giữa vợ goá với anh hoặc em chồng cũng như giữa chồng goá với chị hoặc em vợ đều được chấp thuận. Khi dòng họ A đã gả con gái cho dòng họ B thì dòng họ B không gả con gái cho dòng họ A nữa.
Trong nhà, người đàn ông làm chủ gia đình, nắm quyền quyết định mọi công việc; người vợ chịu trách nhiệm chính trong việc nội trợ và dạy dỗ con cái. Gia đình tuy có sự phân biệt vai trò theo giới, song giữa các thành viên là mối quan hệ tôn trọng, thương yêu và đùm bọc nhau. Khi chủ gia đình chết, quyền hành và tài sản được trao cho người con trai cả, con gái không được chia tài sản, nếu có cũng chỉ rất ít so với con trai. 
 
Sinh con
 
Phụ nữ khi mang thai kiêng ăn thịt các con vật sa bẫy, không bước chân qua cây nằm ngang đường v.v... Họ đẻ con tại nhà, có bà mụ vườn đỡ đẻ. Trẻ sơ sinh được đặt tên sau vài ba tháng, phải tránh trùng với tên của người đã khuất trong dòng họ, nhưng thường các tên trong nhà được đặt cùng vần với nhau.
 
Con trai trong gia đình được xem là người nối dõi tông đường, gánh vác trách nhiệm chăm sóc bố mẹ khi họ già yếu.
 
Ma chay
 
Khi nhà có người chết, bà con họ hàng sẽ đến nhà của người đó trong sáng ngày hôm sau. Họ sẽ mổ lợn hoặc bò và ăn trưa cùng nhau. Người Khùa có phong tục đặt tử thi nằm dọc sàn nhà, chân hướng về phía cửa sổ, (nhóm người Vân Kiều sẽ đặt tử thi nằm ngang sàn nhà, chân hướng về phía cửa chính). Sau 2-3 ngày mới đưa ma, bọc tử thi trong một chiếc chiếu rồi chôn vào bãi mộ chung của làng.
 
Địa điểm chôn người chết do thầy cúng chỉ định. Chọn đất đào huyệt theo cách dùng trứng gà thả rơi, vỡ trứng là được. Trước khi mai táng mỗi ngày cúng cơm đặt thức ăn vào miệng tử thi 3 lần (sáng, trưa, tối), khi chôn cất phải dành phần cho người chết nhiều thứ từ đồ mặc đến vật dụng thông thường và cả giống mía, ngô, khoai môn, v.v...
 
Trên đường đi tới nghĩa địa, họ sẽ đánh dấu ba đoạn đường có chiều dài bằng nhau từ nhà người chết đến khu nghĩa địa. Họ sẽ đốt đuốc và thắp nến ở đoạn đường đầu tiên ngay khi trở về nhà từ bãi mộ, ở đoạn đường thứ hai trong đêm thứ hai, ở đoạn đường cuối cùng trong đêm thứ ba. Họ tin rằng sau ba ngày này, linh hồn người chết đã trở về nhà. Ngày mồng 1 hàng tháng (âm lịch) và mồng 3 Tết, mọi người tiến hành cúng quảy thắp hương tưởng nhớ người đã khuất.
 
Thỉnh thoảng, người ta chôn cất người chết dưới những cái cây lớn. Họ sợ hồn ma của người chết nên sẽ không ai dám chặt hạ những cây này.
 
Tín ngưỡng dân gian và lễ hội
 
Người Khùa chú trọng thờ cúng tổ tiên và các vật ‘‘thiêng‘‘ như thanh kiếm, mảnh bát,... Họ quan niệm ‘‘vạn vật hữu linh‘‘, họ thờ thần núi, thần sông, thần đất, thần cây, đặc biệt là thờ lửa và bếp lửa. Ma gia đình đằng vợ (yang cu gia) cũng được con rể thờ cúng.
 
Người Khùa có hai lễ hội lớn hàng năm, lễ hội ‘’cột tay’’ cầu may và lễ hội ‘’giáng sơn’’ cầu thiên nhiên.
 
Lễ hội ‘’cột tay’’ cầu may thường diễn ra vào tháng 2, đồng bào Khùa sẽ đeo một loại vòng tay bằng cao su cho cho nhau và luôn giữ gìn nó bên mình. Họ tin rằng chiếc vòng tay sẽ mang đến sự ổn định và may mắn trong cuộc sống của họ.
Người Khùa tổ chức lễ hội ‘’giáng sơn’’ một năm hai lần trước khi bắt đầu mùa vụ, để tạ ơn ông trời đã ban tặng sông núi cho họ và cầu mong may mắn sẽ đến, sức khỏe dồi dào, vụ mùa bội thu. Họ sẽ cùng nhau tụ tập để thưởng thức rượu cần, gà và xôi. Những người phụ nữ mới sinh con không được tham gia lễ hội này.
 
Tết thường được người Khùa tổ chức giống với người Kinh, được diễn ra trong ba ngày đầu tiên của tháng 1. Đây là thời gian để gia đình sum vầy, đi thăm họ hàng và bạn bè. Vào các dịp lễ tết, người Khùa có nhiều lễ cúng khác nhau trong quá trình canh tác lúa rẫy nhằm cầu mùa, gắn với các khâu, phát, trỉa và thu hoạch. Ðặc biệt lễ thức trước dịp trỉa lúa diễn ra như một ngày hội của dân làng. Trong một đời người, mỗi người cũng có hàng loạt nghi lễ cúng quải về bản thân mình: khi ra đời, lúc đau ốm, khi qua đời, lúc thành hôn v.v... Lễ cúng có đâm trâu là lễ quan trọng nhất. Tết đến từng làng sớm muộn khác nhau, nhưng đều vào thời gian sau kỳ tuốt lúa.
 
Lịch
 
Họ căn cứ vào mặt trăng để định ra các ngày và tên ngày trong tháng. Quan niệm có những ngày tốt (nhất là mùng 4, 7, 9) và những ngày xấu (nhất là 30 và mùng 1). Mỗi năm, lịch nông nghiệp Bru-Vân Kiều gồm 10 tháng, tiếp đến thời kỳ nghỉ ngơi, chơi bời trước khi bước vào mùa rẫy mới.
 
Đời sống văn hóa
 
Người Khùa có vốn văn nghệ cổ truyền ca dao, tục ngữ, truyện cổ hết sức phong phú. Họ nổi tiếng với các điệu hát đối đáp giao duyên (oát), là hát chúc vui (prdoak), hát vui trong các sinh hoạt vui đùa đông người (xươt), hát kể lể nặng nề, oán trách (roai tol), hát ru trẻ con (adâng kon). Trong đám ma và lễ hội đâm trâu thường có múa kết hợp với hát. Nhạc cụ phổ biến là: cồng, chiêng, đàn achung, plư, ta-lư, kèn amam, ta-ral, khèn pi, nhị, đàn môi, trống, sáo…

về tree hugger
câu chuyện
quán cà phê
homestay
thông tin du lịch
tour du lịch
photography
cửa hàng
chính sách giao hàng
chăm sóc sản phẩm
chính sách bán sỉ và đặt hàng theo yêu cầu
liên lạc
instagram.com/treehuggercafe
câu hỏi thường gặp

© tree hugger, 2021

bottom of page