top of page
Dân tộc H’Mông
Cộng đồng dân tộc H’Mông (tên gọi khác là Mèo, Mẹo, Miêu), hiện nay có khoảng 1,393,547 người, là một trong số những dân tộc thiểu số lớn nhất ở Việt Nam. Người H’Mông di cư từ Trung Quốc vào Việt Nam khoảng 300 năm trước cho đến cuối thế kỷ XIX. Điểm đầu tiên mà người H’Mông định cư ở Việt Nam là Mèo Vạc trên cao nguyên đá Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang - nơi địa đầu của tổ quốc. Dần dần, họ sống tản ra các tỉnh miền núi phía Bắc, ở vùng cao các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Yên bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An. Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, một bộ phận người H’Mông di cư vào sinh sống ở các tỉnh Tây Nguyên.
Người H’Mông có các nhóm: Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Đỏ, Mông Đen, Mông Xanh, Na Miểu,…Tuy có nhiều nhóm khác nhau, nhưng ngôn ngữ và văn hóa cơ bản giống nhau, điểm khác biệt nhiều nhất chính là ở sắc màu trang phục.
Tiếng nói của người H’Mông thuộc nhóm ngôn ngữ hệ Mông - Dao.
Kinh tế
Nguồn sống chính của người H‘Mông là làm nương định canh hoặc nương du canh trồng ngô, lúa, lúa mạch. Ngoài ra, đồng bào còn có truyền thống trồng xen canh trên nương các cây ý dĩ, khoai, rau, lạc, vừng, đậu… và chăn nuôi chủ yếu trâu, bò, lợn, gà, ngựa.
Ngựa thồ là phương tiện vận chuyển rất có hiệu quả trên vùng cao núi đá. Con ngựa rất gần gũi và thân thiết với từng gia đình Mông.
Họ phát triển nghề đan lát, rèn, làm yên cương ngựa, làm gỗ, làm giấy, đồ bạc, đặc biệt nổi tiếng với nghề dệt vải từ cây lanh, nhuộm màu chàm và vẽ tay hoa văn từ sáp ong. Mỗi họa tiết được vẽ lên vải của người H’Mông đều mang một ý nghĩa đặc biệt, mang tính đặc trưng của người Mông.
Những vùng đồng bào H’Mông sinh sống đều có chợ phiên, cứ 5 hoặc 6 ngày họp một lần. Đây là nơi người H’Mông trao đổi hàng hóa vật đổi vật và gặp gỡ các tầng lớp trong xã hội. Ngoài ra còn có chợ tình tổ chức ở Sa Pa mỗi năm một lần rất nổi tiếng, trở thành nét đẹp văn hóa của người H’Mông.
Nghề thủ công
Người H’Mông nổi tiếng với hai nghề thủ công truyền thống, đó là nghề làm bạc và nghề dệt, nhuộm vải từ cây lanh, vẽ họa tiết batik.
Những người phụ nữ H’Mông dành phần lớn thời gian bên khung cửi, nhuộm vải và vẽ batik, thêu tay. Mỗi cô gái H’Mông khi đến tuổi trưởng thành đều có riêng cho mình một mảnh nương để trồng lanh. Kỹ năng trồng và dệt lanh được truyền từ mẹ sang con gái. Khi đến tuổi kết hôn, họ sẽ mặc những bộ quần áo đẹp nhất do chính mình làm ra để đi chợ hoặc đến các buổi hội hè. Ở Việt Nam, chỉ có người H’Mông mới có thể làm ra được những tấm vải lanh trắng mịn.
Mặc dù ngày nay, việc sử dụng vải sợi bông và vải tổng hợp với họa tiết trang trí cầu kỳ khá phổ biến. Nhưng ở các bản làng xa xôi miền Bắc Việt Nam vẫn còn sử dụng vải truyền thống được làm thủ công từ tự nhiên.
Dệt vải lanh
Tước sợi
Cây lanh được xem là một phần không thể thiếu trong văn hóa, là tín hiệu dân tộc của người H’Mông, chỉ có "sợi lanh mới mang người H’Mông tìm về tổ tiên, cội nguồn của mình". Cây lanh được xem là cây trồng cho tương lai vì tác động môi trường tương đối thấp. Nó được trồng và chăm sóc mà không cần bất kỳ xử lý hóa học nào, hơn nữa còn cho năng suất xơ thô gấp ba lần so với bông.
Người H’Mông ưa chuộng vải được dệt từ cây lanh bởi nó có độ bền hơn hẳn vải bông, không bị mốc, luôn tạo cho làn da sự thông thoáng mỗi khi mặc nên có lợi cho sức khỏe.
Những ruộng lanh mọc đều thẳng tắp hơn hai tháng thì có thể thu hoạch, được người H’Mông cắt về rồi đem phơi khô trong nắng khoảng 2 tuần. Khi tách lấy vỏ lanh, đôi tay người phụ nữ phải hết sức khéo léo cho sợi lanh có độ mảnh đều nhau và không bị đứt nửa chừng. Đây là việc làm đòi hỏi nghệ thuật nhẹ nhàng, kiên trì, nhẫn nại. Vì vậy, lúc nào phụ nữ Mông cũng tranh thủ tước và nối các sợi lanh kể cả lúc trên đường từ nhà lên nương và từ nương về nhà.
Những bó vỏ lanh sau khi tước được cuộn chặt lại rồi cho vào cối giã đánh bong hết bột chỉ, còn trơ lại sợi dai, rồi cuộn lại thành những con sợi lớn. Qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong, sợi lanh đã trắng và mềm hơn, đó là lúc những phụ nữ người Mông bắt đầu ngồi vào khung dệt của mình.
Dệt sợi
Người H’Mông thường dệt bằng khung cửi đai lưng đơn giản, chỉ có hai thanh gỗ 12cm x 12cm, dài 60cm đặt cách xa nhau 50cm, 4 thanh ngang ở giữa và một con thoi.
Làm ra những tấm vải lanh tốt là niềm tự hào của mỗi người phụ nữ H’Mông, có lẽ cũng chính vì vậy mà họ luôn thận trọng trong từng công đoạn, dù là căng sợi hay luồn khung. Và cũng từ mong ước làm ra những tấm vải lanh tốt đó, không biết từ bao giờ họ cũng đã hình thành những quy ước rất khắt khe như kiêng nam giới đến gần khi phụ nữ căng sợi luồn vào khung, vì sợi đứt và bị luồn nhầm.
Khi dệt xong, vải còn thô, người ta phải giặt nhiều lần, ngâm nước tro đun sôi cho đến khi sợi vải chuyển sang màu trắng. Trong vòng đun sôi cuối cùng, sáp ong được thêm vào để làm mịn sợi lanh. Sau đó, nó được sấy khô và ép. Cho các sợi vào khung kéo sợi một lần nữa để kéo căng sợi. Cuối cùng, tấm vải được trải lên khúc gỗ tròn, rồi dùng một phiến đá chà sáp ong trượt đi, trượt lại cho đến khi tấm vải thật phẳng.
Khổ vải lanh thường sẽ có chiều rộng khoảng 30cm đến 35cm. Vải đẹp là vải nhẵn, sợi đều, trắng, nhỏ, khi mặc luôn tạo cảm giác mềm mại và thoáng mát.
Nhuộm chàm
Cây chàm là một trong những loại thuốc nhuộm tự nhiên hiếm hoi vẫn được sử dụng rộng rãi trong các dân tộc khác nhau ở Việt Nam cho đến bây giờ. Chàm có những đặc tính thú vị mà không một loại thuốc nhuộm nào khác có được, mặc dù cũng là chất nhuộm tự nhiên, nhưng cách nhuộm chàm, cách chàm ăn màu vào vải đều hoàn toàn khác biệt. Màu chàm không xâm nhập hoàn toàn vào xơ sợi trong quá trình nhuộm vì tính chất hóa học của chàm, màu chỉ bám được trên bề mặt sợi, bên trong xơ sợi vẫn trắng nên vải nhuộm chàm tự nhiên sẽ có độ bền giặt thấp. Sắc chàm được đánh giá cao vì có sự đa dạng trong màu sắc, độ đậm nhạt có thể tùy thuộc vào số lần nhuộm, từ màu xanh lam cho đến xanh than, thậm chí là xanh đen.
Có nhiều cách để người H’Mông tạo ra thuốc nhuộm chàm bằng cách lên men và oxy hóa lá chàm. Thường thì người thợ nhuộm sẽ ngâm lá chàm trong một cái vại sành lớn và để lên men trong vòng 3 đến 4 ngày. Sau một thời gian, họ vớt lá chàm ra, khuấy đều chất lỏng, đậy nắp kín và để một thời gian nữa, màu chất lỏng sẽ chuyển từ xanh lá cây thành xanh lam.
Để nhuộm vải, họ ủ vải trong chậu tầm nửa giờ, sau đó xả sạch bằng nước lạnh và treo lên cho khô. Nhuộm màu chàm không cần hòa trộn thêm bất kì một loại hóa chất nào. Tùy thuộc vào mong muốn nhuộm nên một tấm vải màu chàm đậm hay nhạt, quá trình nhuộm màu sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong vài tuần đến một tháng. Màu chàm nhuốm xanh bàn tay của những người phụ nữ H’Mông.
Batik
Vẽ họa tiết bằng sáp ong là một cách tạo hoa văn đặc trưng của người H’Mông. Batik cũng được thực hành ở nhiều nền văn hóa khác trên thế giới, bắt nguồn từ Indonesia. Ở Việt Nam, chỉ có người H’Mông mới làm ra được vải batik.
Để tạo hoa văn trên tấm vải, họ dùng sáp ong để vẽ. Sáp ong có màu vàng và màu đen được nấu chảy, trộn đều tương ứng với độ đậm nhạt màu sắc.
Trong khi người H’Mông Trắng có sự đơn giản trong trang phục, họ thường nhuộm chàm để may trang phục cho nam giới không cần vẽ họa tiết, váy của phụ nữ lại vẽ họa tiết mà không cần nhuộm, thì phụ nữ Mông Hoa thường vẽ họa tiết sáp ong lên vải, rồi đem đi nhuộm màu chàm. Người H’Mông Đen thì nhuộm vải nhiều lần cho đến khi vải có màu đen mới đem đi khâu may thành trang phục để mặc, sau khi vẽ hoạt tiết sáp ong lên vải.
Khi đã chuẩn bị được vải, sáp, họ bắt đầu bước vào công đoạn vẽ sáp. Khi vẽ, họ chấm bút vào sáp ong nóng, kẻ thật khéo những đường thẳng trên vải. Bút được dùng để vẽ batik là loại bút cán tre, ngòi bằng đồng, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Quá trình này đòi hỏi sáp phải chảy đều, không bị loang lổ cho đến hết rồi mới tiếp tục chấm tiếp.
Họa tiết được vẽ thường xuất phát từ những biểu tượng mang tính truyền thống của người H’Mông như biểu tượng các đồ vật hoặc động vật, biểu hiện cho sự biến chuyển của mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian, trong vũ trụ quan cổ đại của dân tộc H’Mông. Để vẽ thành một tấm vải batik thường mất cả tuần, cả tháng, thậm chí có khi vài tháng.
Sau khi sáp ong được vẽ lên vải đã khô, đem tấm vải đó đi nhuộm chàm nhiều lần, phơi khô rồi lại nhuộm cho đến khi được màu xanh vừa ý..
Khi màu sắc tấm vải đã được như ý, người H’Mông đem tấm vải mang đi luộc, phải đun sôi lửa và đều tay lớp sáp mới bong hết và để lại hoa văn đẹp màu trắng trên nền chàm xanh của lớp vải.
Theo truyền thống, các bức vẽ batik được thực hiện trên vải lanh. Tuy nhiên, do càng ngày càng ít người có thể làm được vải lanh thủ công, nên các loại vải cotton được dệt tay hoặc dệt bằng máy được sử dụng như một sự thay thế để vẽ batik lên đó.
Kĩ thuật và họa tiết thêu
Phụ nữ H’Mông nổi tiếng với kỹ thuật thêu thùa trên vải lanh hoặc vải cotton dệt tay, với hoa văn địa long có màu sắc tươi sáng.
Kĩ thuật appliqué trên vải của người Mông mang đậm dấu ấn dân tộc. Họ dùng một mảnh vải để trang trí trên một mảnh vải khác, một hoặc hai lớp. Mô típ hoa văn chủ yếu là những hình kỷ hà, hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, gam màu chủ yếu là xanh, đỏ, tím, vàng.
Họa tiết ốc sên thường có trên tay áo của trang phục truyền thống của người H’Mông. Phần tâm của cuộn vỏ tượng trưng cho tổ tiên và các vòng xoắn bên ngoài là các thế hệ nối tiếp nhau. Người H’Mông coi con ốc là loài sinh vật hiền hòa, dễ chịu, tương tự như lối sống của người H’Mông
Trang phục
Trang phục của người H’mông rất sặc sỡ, đa dạng giữa các nhóm. Quần áo truyền thống của người H’mông chủ yếu may bằng vải cây lanh tự dệt.
Người phụ nữ Mông Trắng mặc váy màu trắng, áo xẻ ngực, thêu hoa văn ở cánh tay, có yếm sau, họ cạo tóc, để chỏm và đội khăn rộng vành.
Phụ nữ Mông Hoa mặc váy màu chàm có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu, họ để tóc dài, vấn tóc cùng tóc giả.
Phụ nữ Mông Đen mặc váy bằng vải chàm, in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ ngực.
Phụ nữ Mông Xanh mặc váy ống, người đã có chồng cuốn tóc lên đỉnh đầu, cài bằng lược móng ngựa, đội khăn ra ngoài tạo thành hình như hai cái sừng.
Người H’Mông trang trí y phục bằng cách đắp ghép vải màu, hoa văn thêu hình con ốc, hình vuông, hình quả trám, hình chữ thập. Một bộ y phục cổ truyền của phụ nữ gồm có: váy, áo xẻ ngực, tạp dề trước và sau, xà cạp quấn chân.
Đàn ông H‘Mông mặc quần đen ống rộng để dễ leo đồi núi và múa khèn.
Trang sức là khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn đồng, nhẫn bạc, nhẫn vàng. Nếu trên tay có 2 nhẫn là người đó đã có vợ hoặc có chồng. Họ cũng thích đeo những chiếc bùa hộ mệnh để xua đuổi linh hồn xấu. Phụ nữ thích dùng chiếc ô màu sắc đẹp, vừa có tác dụng che mưa, che nắng và làm vật trang sức cho mình, tạo nên nét duyên dáng.
Ăn uống
Người H‘Mông thường ăn ngày hai bữa và ba bữa trong ngày mùa. Bữa ăn với các thực phẩm truyền thống có mèn mén (bột ngô đồ) hay cơm, rau xào mỡ và canh, họ ăn cơm là phụ. Bột ngô được xúc ăn bằng thìa gỗ. Phụ nữ khéo léo làm các loại bánh bằng bột ngô, gạo vào những ngày tết, ngày lễ. Thắng cố là món ăn nổi tiếng của người H’Mông, họ quen uống rượu ngô, rượu gạo, hút thuốc bằng điếu cày.
Ðưa mời khách chiếc điếu do tự tay mình nạp thuốc là biểu hiện tình cảm quý trọng, mến khách. Trước kia, tục hút thuốc phiện tương đối phổ biến với họ.
Trong các dịp lễ tết hay nhà có khách, họ thường đãi rượu và thịt gà.
Nhà cửa
Bản làng người H’Mông quần tụ vài chục nóc nhà trên những sườn núi. Nhà thường được dựng trực tiếp trên nền đất và ghép những tấm gỗ lại với nhau. Nhà trệt, ba gian hai chái, có từ hai đến ba cửa, gian giữa đặt bàn thờ. Ở vùng cao núi đá, mỗi nhà có một khuôn viên riêng cách nhau bằng bức tường xếp đá cao khoảng gần 2 mét.
Hình thức nhà cửa thể hiện điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình, những nhà nghèo thường dựng nhà từ vật liệu tre, nứa. Cách bài trí trong nhà cũng có sự khác nhau giữa các nhóm H’Mông. Nhà của người H’Mông Trắng có hình chữ L và hai cửa ra vào. Nhà của nhóm H’Mông Xanh có hình chữ nhật và một cửa ra vào.
Tổ chức cộng đồng
Bản thường có nhiều họ, trong đó một hoặc hai họ giữ vị trí chủ đạo, có ảnh hưởng chính tới các quan hệ trong bản. Người đứng đầu bản điều chỉnh các quan hệ trong bản bằng hình thức phạt vạ lẫn dư luận xã hội. Người H’Mông rất coi trọng dòng họ bao gồm những người có chung tổ tiên. Phong tục người H’Mông cấm ngặt những người cùng họ lấy nhau. Phụ nữ sau khi lấy chồng vẫn được giữ tên thời con gái, nhưng họ theo nhà chồng. Tình cảm gắn bó giữa những người trong họ sâu sắc. Trưởng họ là người có uy tín, được dòng họ tôn trọng, tin nghe.
Hôn nhân gia đình
Người Mông theo chế độ phụ hệ, cô dâu đã qua lễ nhập môn, bước qua cửa nhà trai, coi như đã thuộc vào dòng họ của chồng. Vợ chồng rất gắn bó, luôn ở bên nhau khi đi chợ, đi nương, thăm hỏi họ hàng. Trước kia, văn hóa người H’Mông phổ biến tục cướp vợ, và một số nơi vẫn còn tục lệ này cho đến ngày nay.
Tín ngưỡng
Người H’Mông là những người theo thuyết vật linh, họ tin rằng linh hồn cư ngụ ở động vật và các vật thể tự nhiên khác. Trong nhà có nhiều nơi linh thiêng dành riêng cho việc thờ cúng như nơi thờ tổ tiên, ma nhà, ma cửa, ma bếp,…
Những người biết nghề thuốc, biết làm thầy còn lập bàn thờ cúng những vị tổ sư nghề của mình.
Nhiều lễ cúng kiêng cấm người lạ vào nhà, vào bản. Sau khi cúng ma cầu xin ai thường đeo bùa để lấy khước.
Đời sống văn hóa
Tết cổ truyền của người H’Mông được tổ chức vào tháng 12 dương lịch. Ba ngày tết, dân làng không ăn rau xanh, họ thường chơi còn, đu, thổi khèn, ca hát ở những bãi rộng quanh làng. Tết lớn thứ hai là Tết 5 tháng năm (âm lịch), đây là dịp sum họp gia đình và gặp gỡ những người cùng giao trong bữa tiệc rượu linh đình.
Ngoài hai Tết chính, tuỳ từng nơi còn có các tết vào các ngày 3 tháng 3, 13 tháng 6, 7 tháng 7 (âm lịch).
Thanh niên người Mông thích chơi khèn, vừa thổi vừa múa, họ dùng kèn lá, đàn môi là phương tiện để thanh niên trao đổi tâm tình. Khèn, trống còn được sử dụng trong đám ma, lúc viếng, trong các lễ cúng cơm.
© tree hugger, 2021
bottom of page