top of page
Dân tộc Dao
Người Dao di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam từ khoảng thế kỷ XII-XIII đến nửa đầu thế kỷ XX. Cộng đồng dân tộc Dao (hay còn gọi là Mán, Động, Xá,...) có khoảng 751.067 người, gồm nhiều nhóm địa phương: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Quần Trắng, Dao Quần Chẹt, Dao Lô Gang (Dao Thanh Phán), Dao Thanh Tuyển (Dao Áo Dài). Dân tộc Dao sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền núi, Trung du Bắc Bộ như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ,...
Tiếng nói của người Dao thuộc nhóm ngôn ngữ H’Mông - Dao.
Kinh tế
Người Dao sống bằng nghề làm nương, thổ canh hốc đá, ruộng. Người Dao Quần Trắng, Dao Áo Dài, Dao Thanh Y chuyên trồng lúa nước. Người Dao Đỏ chuyên thổ canh hốc đá. Các nhóm Dao khác thường làm nương du canh hay định canh. Lương thực chính là lúa, ngô, rau màu và hoa màu, ngoài ra phát triển một số cây công nghiệp khác như cà phê, quế, chè,... Đồng bào Dao chăn nuôi nhiều lợn, gà, trâu, bò ở vùng lưng chừng núi và vùng cao nuôi ngựa, dê.
Người Dao ở vùng cao quen dùng địu có hai quai đeo vai, vùng thấp gánh bằng đôi dậu. Túi vải hay túi lưới đeo vai được họ ưa dùng.
Nghề truyền thống
Nghề nấu cao chàm
Cây chàm sau hai tháng được thu hoạch về, ngâm thân và lá trong nước lạnh khoảng một tuần để vữa ra, hòa thành màu chàm. Người Dao lọc bã và cho vôi vào nước chàm, khuấy đều và để một thời gian để nước chuyển sang màu xanh tím than. Lắng cặn vôi để lấy nước chàm dùng nhuộm vải. Cao chàm có thể bảo quản trong thời gian lâu để nhuộm được màu vải theo ý.
Nghề thêu
Trải qua các thế hệ, người già truyền dạy cho người trẻ kinh nghiệm, kỹ thuật thêu thùa các hoa văn trên vải của người Dao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Thường thì các bé gái 9-10 tuổi đã thành thạo các thao tác thêu cơ bản. Các cô gái Dao phải tự thay thêu những bộ trang phục truyền thống cho mình để diện trong ngày cưới. Hoa văn thêu chủ đạo là hình chữ vạn, cây thông, hình con chim, hình người,…truyền tải những bản sắc văn hóa độc đáo và mong muốn của người Dao trong cuộc sống sinh hoạt. Phụ nữ Dao đi đâu cũng mang theo kim chỉ bên mình, họ tranh thủ những lúc nghỉ giải lao khi làm việc trên nương, trên ruộng, hay lúc địu con để mang vải ra thêu thùa. Các sản phẩm thêu phổ biến là khăn quàng, ví cầm tay, túi xách,…
Nghề làm giấy bản
Ngoài ra, người Dao Đỏ và Dao Quần Chẹt nổi tiếng với nghề làm giấy bản dùng để ghi chép sách cúng, sách truyện, sách hát. Tre, nứa non sau khi được chặt về, họ chặt nhỏ và sửa sạch, ngâm với nước vôi trong một tuần, rồi đun liên tục nhiều tiếng đồng hồ trog nước vôi, vớt ra bỏ vào cối giã thành bột. Trộn bột đã giã mịn với nhựa cây rừng và nước tạo thành một hỗn hợp. Căng những tấm vải nhiều kích cỡ rồi phết hỗn hợp đã trộn lên vải, lấy cật nứa là phẳng, rồi phơi khô để tạo thành giẩn bản.
Nghề làm trống
Người Dao Đỏ còn có nghề làm trống được công nhận là văn hóa phi vât thể quốc gia. Đối với họ, tiếng trống là tín hiệu kết nối cõi âm với cõi dương, báo hiệu với tổ tiên thần linh những việc hệ trọng đang diễn ra trong gia đình. Mặt trống được làm từ da trâu, da bò với độ dày vừa phải, cố định bằng dây mây, găm các thanh gỗ xung quanh tang trống để căng lại mặt trống sau một thời gian sử dụng.
Nghề làm bạc
Đây là nghề gia truyền, người Dao làm ra những loại trang sức như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, vòng tai, nhẫn, dây bạc, hộp đựng trầu, đồng xu,…Nghề chạm khắc bạc đòi hỏi sự kì công, tỉ mỉ, kinh nghiệm truyền từ đời này qua đời khác. Khâu chạm khắc được thực hiện hoàn toàn thủ công tạo nên những họa tiết tinh xảo có ý nghĩa liên quan đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Sau khi chạm khắc xong, người Dao dùng một loại cây rừng để tráng bạc nhằm tạo độ trắng sáng cho sản phẩm.
Ngoài ra, người Dao còn phổ biến với nghề rèn, các xóm người Dao sinh sống đều có lò rèn sửa chữa nông cụ.
Ăn uống
Người Dao thường ăn hai bữa chính trong ngày, những ngày mùa thì ăn ba bữa. Món ăn chính là cơm, một số nơi có ăn thêm ngô. Món ăn đặc trưng không thể thiếu của người Dao là thịt luộc, thịt sấy khô, măng chua. Khi ăn xong, người Dao kiêng để đũa ngang miệng bát vì đó là dấu hiệu trong nhà có người chết. Người Dao thường hút thuốc lá và thuốc lào bằng điếu cầy hay tẩu, uống rượu chưng cất hoặc hoãng (thứ rượu không qua chưng cất, có vị chua và cay).
Trang phục
Các nhóm Dao thường mặc hai loại áo là áo dáng dài và áo dáng ngắn, họ có nhiều cách đội khăn khác nhau giữa các nhóm. Trước đây đàn ông để tóc dài, búi sau gáy hoặc để chỏm tóc dài trên đỉnh đầu, xung quanh cạo nhẵn. Phụ nữ Dao mặc rất đa dạng và sặc sỡ, thường mặc áo dài với yếm, váy hoặc quần.
Họ không may theo mẫu vẽ sẵn trên vải mà hoàn toàn dựa vào trí nhớ, thêu hoa văn chữ vạn, cây thông, hình chim, người, động vật, lá cây ở mặt trái của vải để hình mẫu nổi lên mặt phải. Họa tiết thêu của người Dao vô cùng nổi tiếng và họ tạo ra những sản phẩm khác biệt nhau mang tính cá nhân cao. Ngoài ra người Dao còn in hoa văn lên vải bằng sáp ong, kĩ thuật này gần giống với người H’Mông.
Nhà cửa
Nhà của người Dao thường có ba loại nhà khác nhau: nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất, nhà đất (nhà trệt). Họ thường sống ở vùng lưng chừng núi hầu khắp các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên một số nhóm như Dao Quần Trắng ở thung lũng, còn Dao Đỏ lại ở trên núi cao. Thôn xóm phần nhiều phân tán, rải rác chỉ chừng năm bẩy nóc nhà.
Muốn làm nhà phải xem tuổi những người trong gia đình, nhất là tuổi chủ gia đình. Người Dao rất xem trọng nghi lễ chọn đất.
Quan hệ cộng đồng
Trong thôn xóm tồn tại chủ yếu các quan hệ xóm giềng và quan hệ dòng họ. Người Dao có nhiều họ, phổ biến nhất là các họ Bàn, Đặng, Triệu. Các dòng họ, chi họ thường có gia phả riêng và có hệ thống tên đệm để phân biệt giữa những người thuộc các thế hệ khác nhau.
Hôn nhân gia đình và sinh đẻ
Trai gái muốn lấy được nhau phải so tuổi, bói chân gà xem có hợp nhau không. Trong đám cưới, người Dao thường có tục chăng dây, hát đối đáp giữa nhà trai và nhà gái trước khi vào nhà. Lúc đón dâu, cô dâu được cõng ra khỏi nhà gái và bước qua cái kéo mà thầy cúng đã làm phép mới được vào nhà trai.
Phụ nữ Dao thường đẻ ngồi và đẻ ngay trong buồng ngủ.
Nhà có người ở cữ người ta treo cành lá xanh hay cài hoa chuối trước cửa để làm dấu không cho người lạ vào nhà vì sợ vía độc ảnh hưởng tới sức khoẻ đứa trẻ. Trẻ sơ sinh được tắm bằng nước nóng, ba ngày tuổi thì làm lễ cúng mụ.
Tín ngưỡng
Người Dao có nhiều tín ngưỡng về thần linh, ma quỉ, có một số tục lệ thờ cúng phức tạp và tốn kém. Ở một vài vùng có tục hỏa táng cho người từ 12 tuổi trở lên.
Họ vừa tin theo các tín ngưỡng nguyên thuỷ, các nghi lễ nông nghiệp vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Đạo giáo. Bàn vương (Bản Hồ) được coi là thuỷ tổ của người Dao nên được cúng chung với tổ tiên từng gia đình.
Đời sống văn hóa và tri thức dân gian
Người Dao có vốn văn nghệ dân gian rất phong phú, nhiều truyện cổ, bài hát, thơ ca. Ðặc biệt truyện ‘’quả bầu với nạn hồng thuỷ’’,‘’sự tích Bàn vương’’ rất phổ biến trong đời sống của người Dao. Vào các dịp lễ tết hoặc ngày diễn ra nghi lễ tôn giáo, họ thường múa theo nhạc, chơi đu, chơi quay, đi cà kheo.
Hầu hết các xóm thôn người Dao đều không có văn tự riêng mà sử dụng chữ Hán, gọi là chữ nôm Dao. Người ta học chữ để đọc sách cúng, sách truyện, thơ. Kho tàng tri thức dân gian rất phong phú, đặc biệt là y học dân gian.
© tree hugger, 2021
bottom of page